Gợi ý - nhắc nhở nhóm leo núi Tản Viên

Những gợi ý của bài này là lý thuyết chung cũng có thể dành cho các chuyến leo núi khác của các bạn nhỏ.

Chuyến leo núi ngày 23/10 xuất phát từ Basecamp thôn Dy, Minh Quang, Ba Vì. Nằm ở góc tây bắc núi tản, đi theo cung đường của người địa phương và kiểm lâm đi tuần tra rừng. Nhóm của Ciến Outdoors là nhóm du khách đầu tiên khai phá mở cung đường này, vì không phải là cung đường du lịch phổ thông nên các bạn được hứa hẹn chiêm ngưỡng thiên nhiên kỳ vĩ, thảm thực vật phong phú của rừng bảo tồn. Chuyến đi có sự hỗ trợ chu đáo của hướng dẫn người địa phương, tuy nhiên có một số gợi ý sau dành cho các bạn:

  • Trang phục nên che phủ kín cơ thể để tránh gai cào hay các côn trùng có hại, nếu trời mưa ẩm thì có thể có con vắt. Dùng dây chun buộc chặt ống quần dài vào bít tất, quần áo có nhiều chất nilon sẽ làm con vắt khó bám hơn
  • Những loại giày chuyên dụng dành cho trẻ em hầu như không có bán trên thị trường, tuy nhiên cần lựa giày buộc dây càng cao cổ càng tốt và có đế bám đất tốt (thông thường những giày cao cổ được thiết kế với đế bám đất). Nếu không phải lội suối thì nên luôn luôn đi giày, giày cao cổ có công dụng chống lật cổ chân, chống những rắn rết côn trùng cắn… và một đôi giày chắc chắn sẽ luôn mang tới sự tự tin cho trẻ.
  • Mũ che nắng và bình nước uống và găng tay. Mỗi bạn tuyệt đối phải tự mang bình nước của riêng mình, bố mẹ không được mang hộ. Ngoài việc rèn luyện tính tự lập thì đây là một trong những kỹ năng sinh tồn thiết yếu: Trong trường hợp bị lạc đoàn, nếu có nước bên người thì sẽ tồn tại lâu hơn chờ giải cứu, đặc biệt mùa hè và mùa khô, không có nước sẽ làm cơ thể suy kiệt nhanh chóng. Trẻ em cơ thể bé nhỏ, đeo bình nước qua vai sẽ vướng và đau vai, nên dùng một balo nhỏ đựng nước và vài thứ lặt vặt. Nên đeo găng tay mỏng, hoặc găng tay cụt ngón nếu trời không quá lạnh, trường hợp cần phải cầm nắm vịn vào cây cối hay vách đá sẽ tự tin và an toàn hơn.
  • Gậy leo núi là một vấn đề hay được hỏi nhất "có cần dùng gậy leo núi không). Gậy leo núi sẽ vô dụng và còn vướng thêm với những bạn không được hướng dẫn sử dụng đúng cách. Đi núi, nhất là núi đá, là kỹ năng giữ thăng bằng cơ thể, chọn điểm đặt chân đúng. Kết hợp tốt với gậy leo núi làm điểm tựa thì sẽ dễ dàng di chuyển mà không cần vịn bám. Việc đặt chân là một vấn đề, nếu trời ẩm ướt thì những tảng đá có nhiều rêu trơn, không nên cố đặt chân lên những tảng đá nhìn có vẻ "sạch sẽ", đã đi chơi không lo bẩn, cứ chỗ trũng dẫm chân vào là chắc miễn không phải chỗ vũng nước sâu ngập ướt giày là được.
  • Áo mưa, nếu chuẩn bị đi chơi rừng trong vòng lâu hơn nửa ngày hay cả ngày thì đem theo áo mưa luôn là một việc không thừa, nhất là ở địa hình núi đá cao. Những vách núi cao thường ngăn chặn gió và mây, tạo ra hiện tượng "tiểu vùng khí hậu" có thể gây mưa bất chợt dù dự báo thời tiết cho khu vực là nắng. Áo mưa có thể ứng dụng nhiều việc khác nữa như trải ra đất để nằm ngay ngồi nghỉ chân, ăn uống, để mặc chống gió rét. Điều nhắc nhở là nên sử dụng áo mưa tót dùng nhiều lần, tránh việc dùng áo mưa giấy một lần sẽ gây rác thải ảnh hưởng đến môi trường, đây là vấn đề nhức nhối các điểm du lịch núi cao hiện nay như Tà Xùa, các đoàn du lịch sử dụng rất nhiều áo mưa giấy và vứt đi luôn sau một lần sử dụng.

Cuối cùng thì thiên nhiên cũng không đáng sợ, thiên nhiên là người bạn tốt nhất của con người, hãy hiểu thiên nhiên và học cách chung sống