Phòng chống vắt cắn khi đi chơi rừng

Những chuyến đi trong rừng thực sự là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi người đô thị nhất là trẻ em, đó là khoảng thời gian được hòa mình vào thiên nhiên, tránh xa nhịp sống hối hả đặc trưng của thành phố và gặp gỡ những thứ hoàn toàn mới lạ. Tuy nhiên, một trong những điều không thể tránh khỏi khi vào rừng hay những vùng ẩm ướt, nhất là vào mùa mưa là bị con vắt cắn.

Loài sinh vật này tuy không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhưng lại là nỗi khiếp sợ của nhiều người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chuyến đi chơi của bạn. Vì vậy, hãy cùng tìm hiểu về loài vật này cũng như những kinh nghiệm hay để phòng tránh và xử lý khi gặp loài vật này.

Vậy vắt là con gì

Con vắt là một sinh vật thân nhũn có hình dáng khá giống con sâu và con đỉa, thường có chiều dài khoảng 2 cm đến 5 cm, có giác bám ở đầu và đuôi. Chúng thường chịu lạnh kém nên thường tồn tại trong các khu rừng mưa nhiệt đới, nhiệt độ khoảng 24 - 28 độ C.

  • Con vắt thường đi săn mồi trong khoảng thời gian từ 5h đến 8h giờ sáng hoặc từ 17h đến 19 h chiều. Chúng thường xuất hiện nhiều hơn sau những cơn mưa, khi nhiệt độ nền giảm xuống.
  • Vắt thường hút máu ở những vùng cơ thể có nhiệt độ cao như sau đầu gối, bẹn, đùi, lưng, nách, cổ, v.v.
  • Khi dính vào cơ thể, con vắt sẽ tiết ra một chất có tên là hirudin có tác dụng ngăn không cho máu đông lại để có thể hút máu, gây cảm giác ngứa và hơi châm chích trên da. Nếu không được lấy ra và xử lý kịp thời, nó có thể hút lượng máu gấp 8 đến 10 lần trọng lượng cơ thể, khiến vết thương bị vắt cắn khó cầm máu và nhiễm trùng vết cắn.

Cách phòng chống vắt cắn

Chuẩn bị trang phục chống vắt

  • Tất chống vắt là một trong những cách hữu hiệu để ngăn cản sự xâm nhập của loài vật này qua ngả ống quần, giày dép. Tất chống vắt là một ống vải bao phủ ống quần và tất chân, cổ giày với dây chu buộc chặt hai đầu để ngăn vắt chui qua khe hở của ống quần.
  • Ghệt là sản phẩm chuyên dung hơn tất để bảo vệ ống chân của bạn từ mắt cá chân đến ngang bắp đùi, thường được sử dụng để đi mưa, đi tuyết... Trong trường hợp này, nó cũng rất hữu dụng để bảo vệ bạn khỏi vắt.
  • Ngoài ra, bạn nên sử dụng quần áo với chất liệu len hoặc nilong khi đi rừng, bởi vì vắt không thể di chuyển được trên 2 chất liệu này quá 10cm. Các sợi len sẽ thấm khô nhớt trên cơ thể con vắt, khiến loài vật này tự rơi xuống nhanh chóng.
  • Mỗi người nên trang bị cho mình trang phục dài tay, kín đáo, tránh hở vùng chân, tay, cổ, tai – những vùng nhiệt độ cao của cơ thể vì dễ thu hút vắt chui vào cắn.

Thuốc chống vắt

  • Có khá nhiều phương pháp chống vắt dân gian, dễ kiếm như vôi bột, xà phòng, dầu khuynh diệp, muối, vôi, dấm, chanh,…
  • Ngoài ra có thể tìm mua các loại thuốc chống vắt tại nhà thuốc như: thuốc DEP, thuốc chống côn trùng DEET.
  • Để sử dụng hiệu quả các loại thuốc chống vắt này, bạn cần bôi thuốc cẩn thận cả bên trong cơ thể cũng như bên ngoài trang phục vì loài vật này tồn tại khá nhiêu trong rừng và luôn tìm cách chui vào trong cơ thể qua những điểm sơ hở. Vì thế, nên bôi thuốc toàn cơ thể, và xịt thuốc ngoài giày dép, tất, trang phục để đảm bảo rằng bạn được bảo vệ toàn diện.

Lưu ý khi di chuyển và ở lại cắm trại trong rừng

  • Không nghỉ chân hoặc ngồi ở những nơi rậm rạp, ẩm ướt vì đó là môi trường ưa thích của loài vắt.
  • Nên mang theo thảm hoặc tấm trải, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với mặt đất.
  • Để tránh sự xâm nhập của vắt, nên chọn nghỉ chân ở những nơi thoáng mát, khô ráo, nhiều ánh sáng. Nếu bạn có ý định cắm trại trong rừng, hãy vệ sinh sạch sẽ và xua đuổi vắt tại địa điểm cắm trại bằng cách quét sạch lá mục, rắc muối xung quanh, hoặc xịt thuốc chống côn trùng, xông khói trước khi dựng lều.
  • Nếu muốn dựng lều, hãy đảm bảo rằng lều của bạn có lưới trống côn trùng để bảo vệ bản thân trước không chỉ vắt mà còn vô số côn trùng độc hại khác trong rừng.

Xử lý nhanh khi bị vắt cắn

  • Khi phát hiện có vắt trên người, hãy nhẹ nhàng loại bỏ vòi hút máu của nó ra khỏi cơ thể. Kiểm tra lại toàn bộ cơ thể mình xem liệu có còn con vắt nào không. Bởi khi cắm vòi hút, con vắt cũng đồng thời tiết ra chất khiến vết thương tê liệt và không cảm nhận được đau đớn. Vì thế rất có thể còn có những con vắt khác ở trên cơ thể mà bạn không cảm nhận được. Tuy nhiên đừng hoảng sợ khi bạn tìm thấy, vắt không độc và chúng không mang mầm bệnh. Chúng thường khá dễ dàng để loại bỏ và sẽ không gây ra tác hại lâu dài.
  • Trong trường hợp vắt đã hút quá nhiều máu trên cơ thể, không được vội vàng giật ra ngay vì dễ gây rách vết thương lớn hơn, hoặc có thể gây nhiễm trùng da. Hãy nhẹ nhàng dùng móng tay hoặt vật sắc cạnh như thẻ tín dung, dao... để gạt bỏ vòi hút máu trên cơ thể và sơ cứu kịp thời.
  • Điều trị vết thương hở. Khi con vắt bám vào, chúng tiêm thuốc chống đông máu để ngăn máu đông lại trước khi chúng có thể hút vào cơ thể. Khi bạn loại bỏ một con vắt, vết thương sau đó có thể bị chảy máu trong vài giờ hoặc thậm chí vài ngày. Làm sạch vết thương hở bằng cồn hoặc dung dịch làm sạch sơ cứu khác, sau đó quấn băng để bảo vệ.
    Vì chảy máu có thể mất một lúc để dừng lại, bạn nên thay băng thường xuyên. Chú ý giữ gìn vệ sinh, đặc biệt nếu bạn đi bộ trong rừng rậm, vết thương hở sẽ dễ bị nhiễm trùng.
  • Tránh loại bỏ vắt bằng bất kỳ cách nào khác. Bạn có thể nghe nói rằng có thể loại bỏ một con vắt bằng cách đổ muối lên nó, đốt, phun thuốc chống côn trùng hoặc ngâm nó trong dầu gội đầu. Mặc dù các cách này có thể khiến con vắt nhả vòi hút và rơi ra, nhưng nó sẽ phun trở lại số máu đã hút vào vết thương của bạn trước khi rơi. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng xấu, vì vậy hãy tuân thủ các biện pháp khoa học. 
Tham gia trao đổi ở nhóm Facebook Tiếng Anh và Kỹ năng sống trẻ em